Cụ thể, các bị can Nguyễn Xuân Đường tức Đường “Nhuệ” (SN 1971); Ninh Đức Lợi (SN 1974); Bùi Mạnh Tiến, tức Tiến “Trắng” (SN 1995); Nguyễn Khắc Nin (SN 1979); Phạm Văn Úy (tên thường gọi Phạm Văn Trường – SN 1989), bị đề nghị đưa ra xét xử theo quy định tại điểm a, khoản 4 điều 170 Bộ luật hình sự về tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Bị can Quách Việt Cường (SN 1974), bị đề nghị đưa ra xét xử cùng tội danh theo quy định tại điểm a, khoản 3 điều 170 Bộ luật hình sự về tội “cưỡng đoạt tài sản”; Nguyễn Thị Dương (SN 1980) – vợ của Đường “Nhuệ”, bị đề nghị đưa ra xét xử theo quy định tại điểm d, khoản 2 điều 170 Bộ luật hình sự về tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, trong vụ án này Nguyễn Xuân Đường đóng vai trò là người khởi xướng, lợi dụng danh nghĩa và núp bóng công ty do vợ mình là Nguyễn Thị Dương làm giám đốc. Các đối tượng tự xưng là chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình, dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, ép buộc 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình muốn kinh doanh trong lĩnh vực hỏa táng phải tham gia Hiệp hội tang lễ Thái Bình.
Những đơn vị trong hiệp hội phải thực hiện các quy định do Đường “Nhuệ” đặt ra, trong đó có việc phải đóng cho Đường số tiền 500.000 đồng/ca hỏa táng. Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền Nguyễn Xuân Đường chiếm đoạt của những người bị hại là hơn 2,4 tỷ đồng.
Liên quan vụ án, toàn bộ số tiền chiếm đoạt được Nguyễn Xuân Đường đã sử dụng vào việc chi tiêu cá nhân. Trong quá trình điều tra, các bị can cũng chưa thực hiện việc bồi thường trách nhiệm dân sự.
Để đảm bảo trách nhiệm bồi thường cho người bị hại, Viện KSND tỉnh Thái Bình đã ban hành lệnh kê biên quyền sử dụng đất của vợ chồng Đường “Nhuệ” đối với 9 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 5, địa chỉ tại thôn Duyên Trường, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Đức Văn