Làm ăn thua lỗ, cặp vợ chồng “nhân bản” sổ đỏ đi lừa đảo nhiều người

Làm ăn thua lỗ, cặp vợ chồng “nhân bản” sổ đỏ đi lừa đảo nhiều người

Thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kinh tế khó khăn, tình trạng lừa đảo có xu hướng gia tăng.

Trong đó, đối tượng Phan Hùng Vỹ (sinh năm 1974) và vợ là Đào Thị Hương (sinh năm 1980, cùng ở thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên) có thửa đất tại thị trấn Gia Khánh đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất số phát hành BL 516486, số vào sổ cấp giấy chứng nhận CS01587.

Làm ăn thua lỗ, cặp vợ chồng nhân bản sổ đỏ đi lừa đảo nhiều người - 1

Cán bộ Công an huyện Bình Xuyên đấu tranh với đối tượng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (Ảnh: Yến Lệ).

Tháng 4/2019, vợ chồng Phan Hùng Vỹ đã thế chấp thửa đất trên để vay 1,1 tỷ đồng của Ngân hàng Agribank để làm ăn. Do thua lỗ, mất khả năng thanh toán nên vợ chồng Vỹ đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chuyển nhượng thửa đất trên cho ông Tr.Ng.N. (sinh năm 1969, thành phố Vĩnh Yên) với số tiền 2 tỷ đồng. Khi ra văn phòng công chứng để làm thủ tục sang tên thì số giấy tờ giả này đã bị phát hiện.

Không dừng lại ở đó, đến tháng 12/2020, vợ chồng Vỹ tiếp tục sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để liên hệ vay 500 triệu đồng của ông Đ.V.Q. (sinh năm 1969, trú ở xã Kim Long, huyện Tam Dương).

Cùng phương thức, thủ đoạn trên, tháng 3/2021, vợ chồng Vỹ liên hệ vay anh Đ.V.H. (sinh năm 1973 ở xã Kim Long) số tiền 300 triệu đồng. Lần này, để tăng thêm sự tin tưởng, vợ chồng Vỹ đã đồng ý ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất trên cho anh H. và sau đó được anh H. đưa cho 300 triệu đồng.

so do.jpeg

Công an khuyến cáo người dân nên đến cơ quan thẩm quyền để kiểm tra độ chính xác của sổ đỏ (Ảnh minh họa)

Công an huyện Bình Xuyên đánh giá, đối tượng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ các loại giấy tờ thật. Giấy tờ này đã được sử dụng để vay vốn ngân hàng nhưng lợi dụng lòng tin, các đối tượng lại tiếp tục sử dụng để vay mượn hoặc mua bán để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Các loại giấy tờ này nhìn qua bằng mắt thường không thể phát hiện là giả; từ cỡ chữ, màu sắc cho đến con dấu đều giống như thật. Theo cơ quan công an, thông qua Facebook, Zalo, việc đặt làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay bất kỳ giấy tờ như bằng lái xe, giấy khám sức khỏe đều được thực hiện rất đơn giản, dễ dàng với số tiền nhỏ.

Vì vậy, Công an huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cảnh báo người dân cần xem xét thật kỹ trước khi quyết định bất kỳ giao dịch nào. Người dân nên đến các cơ quan có thẩm quyền như văn phòng công chứng đất đai, văn phòng đăng ký đất đai huyện, thành phố để kiểm tra về độ chính xác của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất… để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thế Kha