Theo Công an huyện Đơn Dương từ 28/6 đến 4/7, có 3 người từ TPHCM đến lắp đặt thiết bị máy móc tại phòng giao dịch ngân hàng ở huyện Đơn Dương và lưu trú tại một nhà nghỉ thôn Tân Lập (xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương – Lâm Đồng).
Sáng 6/7, cả 3 có triệu chứng mệt mỏi, ho nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng kiểm tra. Qua test nhanh, phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho kết quả cả 3 người dương tính với SARS-CoV-2. Bộ Y tế cũng đã công bố mã bệnh nhân của 3 người này là BN 23668, 23669 và BN23670.
Bước đầu, ngành chức năng xác định những người này đã khai báo y tế không trung thực, không thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định.
Cụ thể, khi đến làm việc tại phòng giao dịch ngân hàng được vài ngày, 2 trong số 3 người có quay về huyện Hóc Môn (TPHCM). Ngày 29/6, 2 người này đã trở lại huyện Đơn Dương, tiếp tục công việc nhưng lại khai báo là xuống chốt kiểm dịch Covid-19 ở huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) để test nhanh Covid-19. Trong khi đó, theo quy định, khi từ huyện Hóc Môn (vùng dịch Covid-19) đến Lâm Đồng, những người này phải thực hiện cách ly tập trung 21 ngày để phòng dịch.
Từ chùm lây nhiễm này, ngày 9/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng phát hiện thêm ca dương tính với SARS-CoV-2 là bệnh nhân 24816 (ngụ huyện Đức Trọng).
Sáng 11/7, thêm một nữ cán bộ phòng giao dịch ngân hàng huyện Đơn Dương nhiễm SARS-CoV-2 (bệnh nhân 28479).
Trước đó, Công an huyện Đạ Tẻh đã khởi tố vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.
Cụ thể, ngày 26/6, bà V.T.T. (46 tuổi) đi từ huyện Hóc Môn (TPHCM) về lưu trú tại thôn Phú Hòa (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) nhưng khai báo y tế gian dối. Căn cứ kết quả xét nghiệm, bà T. đã dương tính SARS-CoV-2 và làm lây lan bệnh truyền nhiễm Covid-19 cho nhiều người ở địa phương.
Ngày 2/7, Bộ Y tế đã công bố bà V.T.T. là bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 17951. Đây cũng là bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng.
Trung Kiên