Nữ giám đốc tổ chức cho hàng chục người xuất cảnh trái phép

Nữ giám đốc tổ chức cho hàng chục người xuất cảnh trái phép

Sau 3 ngày xét xử và nghị án, sáng 19/5, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Lệ Oanh (sinh năm 1979) – Giám đốc Công ty TNHH du học, du lịch Châu Đại Dương – với mức án 9 năm 6 tháng tù và Nguyễn Thị Mỹ Phượng 5 năm tù, về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, sử dụng, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Liên quan tới vụ án, các đồng phạm còn lại trong vụ án bị tuyên phạt mức án từ 2 – 3 năm tù về tội sử dụng, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Nữ giám đốc tổ chức cho hàng chục người xuất cảnh trái phép - 1

Bị cáo Oanh (ngoài cùng bên trái) cùng đồng phạm tại tòa.

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định, Oanh móc nối với Nguyễn Thị Mỹ Phượng nhận làm hồ sơ xin thị thực đi Australia cho 40 người.

Để khách hàng được cấp thị thực, Oanh đã sử dụng 212 tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa dối Tổng lãnh sự quán Australia tại TPHCM cấp thị thực cho khách hàng của mình. Kết quả, 28 người đã được cấp thị thực, trong đó, 20 người (18 khách hàng của Oanh và 2 khách hàng của Phương) đã xuất cảnh trái phép tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

Các bị cáo thu lợi bất chính hơn 941 triệu đồng, trong đó Phượng được 22 triệu đồng.

Ngoài việc giúp Oanh tổ chức cho 2 người xuất cảnh trái phép, Phượng còn đưa 69 tài liệu giả để Oanh và các đồng phạm dùng lừa dối Tổng lãnh sự quán Australia, để được cấp thị thực cho khách hàng của mình.

Là người cung cấp tài liệu giả cho Oanh, Vũ Hồng Tiến mua 89 con dấu mang tên một số doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề, bệnh viện. Tiến sử dụng 20 trong số 89 con dấu giả, làm ra 160 tài liệu giả của các trường học, tổ chức… đưa cho Oanh bổ sung vào hồ sơ xin thị thực cho khách hàng. Qua đó, thu lợi bất chính 54 triệu đồng.

Để có các tài liệu giả cung cấp cho Phượng bổ sung hồ sơ xin thị thực cho khách hàng, Lê Văn Đại đề nghị Nguyễn Văn Tiến làm giả 234 con dấu mang tên các doanh nghiệp, ngân hàng, bệnh viện, công an, UBND… Trong đó, Đại đã sử dụng 30/234 con dấu giả để làm ra 104 tài liệu đưa cho Phượng, thu lợi bất chính hơn 127 triệu đồng. Đại chi cho Tiến là 43 triệu đồng.

Tại tòa hôm nay (19/5), Oanh và các đồng phạm thừa nhận hành vi phạm tội. Gia đình bị cáo đã nộp 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Oanh cho biết, do bị bệnh ung thư, nhiều lần phải đi cấp cứu do bị biến chứng. Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Bị cáo là mẹ đơn thân, gia đình khó khăn nên xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt, có thể ra ngoài điều trị bệnh và có cơ hội sớm về thăm các con.

Oanh không cung cấp được hồ sơ bệnh án vì đang dịch Covid-19 nên HĐXX đề nghị người thân của bị cáo liên hệ bệnh viện hoặc trại giam để bổ sung cho tòa.

Bị cáo Đại và Tiến cũng cho biết đã liên hệ với gia đình, trong vòng 2 ngày tới sẽ nộp tiền khắc phục hậu quả và xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

HĐXX nhận định hành vi của Oanh và đồng phạm là nguy hiểm cho xã hội. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt, đã khắc phục một phần hậu quả nên giảm nhẹ một phần hình phạt.

Xuân Duy