Tại sao không hủy án vụ ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên?

Tại sao không hủy án vụ ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên?

Ông Vũ có đóng góp nhiều hơn

Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vừa mở phiên xử giám đốc thẩm vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Phiên tòa giám đốc thẩm vụ ly hôn nghìn tỷ này được mở do có kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao. Theo kháng nghị, Viện KSND tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND TPHCM xét xử lại.

Tại sao không hủy án vụ ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên? - 1
Ông Vũ và bà Thảo chính thức ly hôn.

Kháng nghị cho rằng, các chứng thư thẩm định giá không tuân thủ các quy định của Bộ Tài chính, thông tư liên tịch, một số báo cáo tài chính của công ty chưa được kiểm toán. Hội đồng thẩm phán xác định các bên không lựa chọn tổ chức thẩm định giá nhưng các bên đều thống nhất đồng ý với chứng thư thẩm định giá. Do đó, tòa sơ thẩm không lập hội đồng định giá mà căn cứ vào kết quả thẩm định giá đối với phần vốn góp của ông Vũ, bà Thảo tại các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên đã được các bên thống nhất để giải quyết vụ án là phù hợp với quy định.

Theo kháng nghị, tòa án sơ thẩm, phúc thẩm tuyên giao cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo quản lý, sử dụng giá trị quyền sử dụng đất tại 7 bất động sản là không đúng mà phải giao cho bà Thảo quyền sở hữu, quản lý, sử dụng mới đúng. Hội đồng thẩm phán xét thấy, tổng hợp toàn bộ nội dung của việc tuyên án nói trên là nhằm phân chia cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo được quyền sử dụng các thửa đất và sở hữu tài sản trên các thửa đất do bà Thảo quản lý, sử dụng, tuy nhiên, bản án đã tuyên thừa từ “giá trị”. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị theo hướng sửa bản án phúc thẩm chỉ cần bỏ từ “giá trị” trong phần quyết định là đảm bảo quyền lợi cho các đương sự mà không cần thiết phải hủy án.

Bên cạnh đó, tòa giám đốc thẩm xác định, tài sản chung của ông Vũ, bà Thảo có là do lợi nhuận từ hoạt động đầu kinh doanh tại các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên. Nguồn gốc tập đoàn Trung Nguyên là do ông Vũ cùng bố mẹ sáng lập trước khi ông Vũ kết hôn với bà Thảo. Qua các giai đoạn phát triển của tập đoàn thì ông Vũ luôn giữ chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Do đó, tòa các cấp xác định ông Vũ có công sức nhiều hơn và chia cho ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40% giá trị tài sản là phù hợp.

Không hạn chế quyền tham gia hoạt động kinh doanh của bà Thảo

Theo hội đồng thẩm phán, việc giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên không hạn chế quyền tham gia hoạt động kinh doanh của bà Thảo. Bởi lẽ, với giá trị tài sản chung được chia thì bà Thảo hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, bà Thảo vẫn đang tham gia hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, tại phiên tòa ông Vũ đồng ý giao toàn bộ tài sản tại Công ty Trung Nguyên Internationnal Pte.Ltđ cho bà Thảo được toàn quyền sở hữu là đảm bảo quyền kinh doanh của bà Thảo. Trong vụ án này, việc bảo vệ thương hiệu quốc gia cà phê Trung Nguyên là cần thiết và để bảo đảm cho hoạt động của các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên được ổn định. Từ đó, Hội đồng thẩm phán cho rằng kháng nghị của Viện Kiểm sát là không cần thiết.

Tại sao không hủy án vụ ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên? - 2

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Về hôn nhân, trong quá trình giải quyết vụ án, bà Thảo lúc xin ly hôn, lúc xin đoàn tụ. Tại phiên tòa sơ thẩm cả 2 tự nguyện, thống nhất ly hôn nên tòa sơ thẩm tuyên công nhận thuận tình ly hôn là đúng quy định.

Sau bản án sơ thẩm, bà Thảo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Thảo xin rút yêu cầu ly hôn, ông Vũ không đồng ý và đề nghị ly hôn. Tòa phúc thẩm, không chấp nhận yêu cầu rút đơn xin ly hôn, xin đoàn tụ của bà Thảo và tuyên giữ nguyên bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm, tuyên thuận tình ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo là chưa phù hợp với diễn biến của vụ án mà phải chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông Vũ mới đúng. Tuy nhiên, việc tòa công nhận thuận tình ly hôn hay xử cho vợ chồng ly hôn thì bản chất là chấm dứt quan hệ hôn nhân.

Trong vụ án này, quan hệ vợ chồng ông Vũ, bà Thảo đã lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nên cần thiết phải chấp nhận cho ông Vũ, bà Thảo ly hôn. Kháng nghị của Viện Kiểm sát về nội dung này là có căn cứ. Tuy nhiên, việc giải quyết cho các bên ly hôn là cần thiết, do đó, không cần thiết phải hủy án.

Xuân Duy