Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM vừa xử giám đốc thẩm vụ án lao động về tranh chấp xử lý kỷ luật sa thải giữa nguyên đơn là ông Lê Cao Tánh (sinh năm 1972, tại Lâm Đồng) và bị đơn là trường THPT bán công Nguyễn Du (nay là trường THCS Nguyễn Du).
Nay thua, mai thắng
Theo nội dung vụ án, ông Tánh là giáo viên dạy môn giáo dục công dân và ngữ văn tại trường THPT bán công Nguyễn Du. Năm 2006, nguyên đơn bị một học sinh vô cớ chửi mắng. Trong lúc tức giận, không kiềm chế được bản thân, thầy giáo này đã tát học sinh chảy máu mũi.
Sau đó, nhà trường đã họp hội đồng kỷ luật quyết định sa thải ông Tánh. Không chấp nhận quyết định trên, ông khiếu nại nhưng nhà trường giữ nguyên quyết định.
Cho rằng quyết định kỷ luật của nhà trường là không đúng, ảnh hưởng tới quyền lợi của mình, ông Tánh khởi kiện yêu cầu tòa án hủy quyết định sa thải của nhà trường và yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng nhận ông lại làm việc.
Xử sơ thẩm và phúc thẩm, cả TAND TP Đà Lạt và TAND tỉnh Lâm Đồng đều bác đơn kiện của ông. Không chấp nhận, ông Tánh gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm.
Tháng 6/2011, Viện KSND Tối cao kháng nghị, đề nghị TAND Tối cao xử giám đốc thẩm theo hướng hủy cả án sơ thẩm và phúc thẩm. Sau đó, ủy ban thẩm phán xử giám đốc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại theo hướng chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Hai năm sau, TAND TP Đà Lạt xử sơ thẩm lần 2, chấp nhận yêu cầu của ông Tánh, tuyên hủy quyết định kỷ luật của nhà trường. Đồng thời, buộc trường nhận ông Tánh làm việc và thanh toán số tiền 232 triệu đồng gồm lương và bảo hiểm.
Không chấp nhận phán quyết trên, cả nguyên đơn và bị đơn đồng kháng cáo. Xử phúc thẩm lần 2, TAND tỉnh Lâm Đồng chấp nhận kháng cáo của bị đơn và bác đơn khởi kiện của ông Tánh.
Cho rằng bản án phúc thẩm lần 2 không đúng, ông Tánh tiếp tục đề nghị giám đốc thẩm. Sau đó, Viện KSND cấp cao tại TPHCM kháng nghị. TAND cấp cao tại TPHCM chấp nhận kháng nghị, hủy án sơ thẩm và phúc thẩm.
Đầu năm 2020, TAND TP Đà Lạt chấp nhận yêu cầu của ông Tánh. Buộc nhà trường xin lỗi công khai nguyên đơn và bồi thường số tiền hơn 614 triệu đồng gồm lương và bảo hiểm. Lần này, trường Nguyễn Du kháng cáo.
Xử phúc thẩm lần ba, TAND tỉnh Lâm Đồng không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Tiếp đó, phía nhà trường có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm lần 3.
Trở thành luật sư trong thời gian theo đuổi vụ kiện
Cuối năm 2020, viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TPHCM kháng nghị, đề nghị ủy ban thẩm phán TAND cùng cấp hủy án sơ thẩm và phúc thẩm lần 3.
Theo kháng nghị, trường THPT bán công Nguyễn Du là đơn vị ban hành quyết định sa thải ông Tánh, nhưng thời điểm xét xử thì đơn vị này không còn tồn tại. Trường THCS Nguyễn Du được thành lập trên cơ sở tiếp nhận quyền và nghĩa vụ không đầy đủ của trường THPT bán công Nguyễn Du.
Trong khi đó, Sở Giáo dục và đạo tạo tỉnh Lâm Đồng là đơn vị có trách nhiệm trong việc ban hành quyết định sa thải ông Tánh. Vì vậy, sở này phải chịu trách nhiệm về hậu quả do việc sa thải nguyên đơn trái pháp luật.
Theo Viện Kiểm sát, lẽ ra tòa phải xác định Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng là bị đơn và có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn. Tuy nhiên, tòa tuyên trường THCS Nguyễn Du hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường là không phù hợp, không có khả năng thực hiện, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của đương sự.
Xử giám đốc thẩm lần 3, ủy ban thẩm phán quyết định không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm lần 3. Theo tòa, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng có tham gia kỷ luật ông Tánh. Tuy nhiên, người ký quyết định sa thải là hiệu trưởng trường Nguyễn Du nên không có căn cứ chấp nhận kháng nghị.
Với phán quyết này, hành trình 15 năm đi kiện của thầy giáo Lê Cao Tánh khép lại với chiến thắng thuộc về ông.
Chia sẻ sau khi vụ án khép lại, ông Tánh cho biết suốt 15 theo đuổi vụ án, ông đã trải qua nhiều thăng trầm. Trong thời gian bị sa thải, ông đã đi học luật, làm báo và hiện giờ đang làm luật sư thuộc đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng.
Nói về dự định sắp tới ông Tánh cho biết mọi việc còn phụ thuộc vào duyên, nếu mọi việc thuận lợi, ông sẽ tiếp tục gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.
Xuân Duy