Tin báo về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi được xử lý như thế nào?

Tin báo về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi được xử lý như thế nào?

Bộ Công an mới đây đã ban hành Thông tư số 43/2021/TT-BCA quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.

“Mọi hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi phải được tiến hành trong môi trường thuận lợi cho việc bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, bí mật cá nhân và danh dự, nhân phẩm của bị hại là người dưới 18 tuổi”– thông tư nêu rõ.

Tin báo về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi được xử lý như thế nào? - 1

Cơ quan điều tra làm việc với một nghi phạm (Ảnh minh họa: Bộ Công an).

Giải quyết tin báo tội phạm nhanh chóng, kịp thời

Bộ Công an yêu cầu quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi phải nhanh chóng, kịp thời. Trường hợp đủ điều kiện thì phải tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn đã quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Khi làm việc với bị hại là người dưới 18 tuổi, cần có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức và mức độ trưởng thành của họ; cần chú ý đến trạng thái tinh thần của người dưới 18 tuổi để áp dụng các biện pháp điều tra có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất số lần làm việc với họ.

Công an phường, thị trấn, đồn công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi thì lập biên bản tiếp nhận, báo ngay bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ; đồng thời chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an cấp tỉnh) phát hiện trên mạng internet về hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi đang diễn ra hoặc diễn ra vừa kết thúc phải kịp thời thu thập thông tin, sử dụng các biện pháp kỹ thuật để lưu giữ thông tin, xác định địa chỉ IP, thông tin cơ bản của các tài khoản, trang mạng xã hội, xác định địa chỉ nơi diễn ra tội phạm (nếu có thể) và thông báo bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Các biện pháp cấp bách khi tiếp nhận, xử lý tố giác

Điều 7 Thông tư số 43 quy định các biện pháp cấp bách khi tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về hành vi phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi đang diễn ra, hành vi phạm tội diễn ra vừa kết thúc thì bị phát hiện.

Trong đó yêu cầu ngăn chặn ngay hành vi xâm hại đang diễn ra, bắt người phạm tội quả tang. Tổ chức cấp cứu bị hại, hỗ trợ y tế, ổn định tâm lý, tinh thần cho bị hại, bảo vệ hiện trường, bảo vệ thông tin cá nhân của bị hại.

Xác định người biết việc, ghi nhận thông tin cá nhân, hình thức liên lạc với những người biết việc, ghi lời khai của họ để kịp thời thu thập các thông tin quan trọng, có ý nghĩa trong việc làm rõ vụ việc và truy tìm đối tượng nghi thực hiện hành vi xâm hại.

Đồng thời trưng cầu giám định pháp y, tổ chức xem xét dấu vết trên thân thể của bị hại, của đối tượng bị nghi thực hiện hành vi xâm hại và xác định mối liên quan của dấu vết với hành vi xâm hại.

Tổ chức khám nghiệm hiện trường, tiến hành khám xét khẩn cấp theo quy định của pháp luật để kịp thời thu thập đồ vật, tài liệu, chứng cứ, các phương tiện kỹ thuật số (điện thoại di động, máy tính, máy ảnh, máy ghi âm, ghi hình, USB, DVD…) nghi chứa dữ liệu điện tử liên quan đến vụ việc xâm hại.

Nếu có căn cứ xác định nơi cư trú, nơi lẩn trốn của đối tượng hoặc phát hiện đối tượng tại hiện trường thì nhanh chóng áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc giám sát chặt chẽ không để đối tượng tiếp tục bỏ trốn hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, đe dọa bị hại hoặc người thân thích của bị hại.

Đối với những vụ việc, vụ án có dấu hiệu xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, phối hợp với bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa phụ sản để thăm khám, thu thập dấu vết, chứng cứ trên thân thể bị hại. Thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để kịp thời thu thập, bảo quản những tài liệu, đồ vật nghi có chứa các dấu vết sinh học (máu, lông, tóc, tinh dịch…) hoặc liên quan đến hành vi xâm hại tình dục; tiến hành trưng cầu giám định pháp y trong thời gian nhanh nhất.

Thế Kha